Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2024 dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,0% vào năm 2024 và 6,2% vào năm 2025.

Sự giảm sút nhu cầu toàn cầu và lãi suất quốc tế cao đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn đã là những biện pháp quan trọng để duy trì đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.

Việc phục hồi tương đối đồng đều trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và sự ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, duy trì thặng dư thương mại, phục hồi tiêu dùng trong nước, cùng với kích thích tài khóa và các chương trình đầu tư công lớn được xem là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết: “Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp các thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị trên thế giới và các hạn chế cơ cấu trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Vì vậy, các biện pháp chính sách trong năm 2024 cần kết hợp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để thúc đẩy nhu cầu trong nước với cải thiện cơ cấu dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.”

Nhu cầu toàn cầu giảm sút do sự phục hồi kinh tế chậm và sự chậm trễ trong việc bình thường hóa lãi suất ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn của tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết các yếu kém cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, sự thiếu liên kết giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.

Đầu tư công tiếp tục là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, cần có những biện pháp hệ thống hơn để cải thiện các quy trình pháp lý và quy định nhằm giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án một cách hiệu quả.

ADB cam kết hướng tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, bình đẳng, thích ứng và bền vững, đồng thời tiếp tục nỗ lực xóa bỏ đói nghèo. Được thành lập vào năm 1966, ADB gồm 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tổng hợp của ISAO

Nguồn: sohuutritue.net.vn