Lụa Vạn Phúc: Nét đẹp tinh túy ngàn năm không phai

Nhắc đến Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), người ta nghĩ ngay đến nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng với truyền thống lâu đời và những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Hiện nay, đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường, lụa Vạn Phúc có tiếp tục được yêu thích hay dần mất đi vị thế của mình?

Làng nghề hơn 1100 năm tuổi

Theo truyền thống, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc bắt nguồn từ bà A Lã Thị Nương, vợ của Cao Biền, Thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo (nay là làng Vạn Phúc). Hơn một thiên niên kỷ đã trôi qua, ngôi làng này đã trở nên nổi tiếng với những sản phẩm lụa cao cấp, tinh xảo và độc đáo.

Nguyên liệu làm lụa Vạn Phúc chủ yếu là tơ tằm do tính mềm mại và dẻo dai của nó. Để tạo ra các sản phẩm lụa hoàn hảo, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như làm tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm và phơi căng. Dù có sự hỗ trợ của máy móc, các nghệ nhân vẫn phải theo dõi cẩn thận từng công đoạn.

Hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc lấy cảm hứng từ những hình ảnh gần gũi với người Việt như trống đồng, hoa mai, hoa ban, cây trúc, đèn lồng, và chữ thọ. Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, cho biết: “Sự khác biệt và giá trị của lụa Vạn Phúc nằm ở quy trình thủ công từ những bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Hoa văn chìm nổi được tạo ra ngay trong quá trình dệt, không phải từ công nghệ in ấn, do đó cả hai mặt vải đều có thể sử dụng được.” Đây chính là điểm đặc biệt giúp lụa Vạn Phúc nổi bật giữa sự cạnh tranh về giá cả.

Lụa Vạn Phúc lần đầu được giới thiệu ra quốc tế tại các hội chợ ở Marseille và Paris năm 1913, nhận được đánh giá cao của người Pháp về sự tinh xảo của vùng Đông Dương. Từ đó, cơ hội xuất khẩu mở ra. Từ năm 1958 đến 1988, thị trường xuất khẩu chính của lụa Vạn Phúc là các nước Đông Âu. Từ năm 1990, sản phẩm tiếp tục xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho Việt Nam. Lụa Vạn Phúc không chỉ mang ý nghĩa văn hóa dân tộc mà còn đóng góp kinh tế cho đất nước. Bảo vệ làng nghề truyền thống này là nỗ lực lớn của cộng đồng làng nghề, đồng thời thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau đối với tiền nhân.

Đổi mới từng ngày để đi tiếp cùng thời đại

Năm 2017, lụa Vạn Phúc gặp phải khó khăn khi một số cửa hiệu bắt đầu nhập hàng Trung Quốc về bán, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của làng nghề. Điều này không chỉ làm giảm uy tín và khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm, mà còn tạo cơ hội cho một số thương lái lợi dụng tâm lý thích đồ giá rẻ của người mua để đánh đồng lụa kém chất lượng với lụa Vạn Phúc. Để đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu và làng nghề nghìn năm tuổi, chính quyền cùng các nghệ nhân Vạn Phúc đã và đang tìm kiếm con đường đổi mới liên tục để vượt qua thách thức và bảo tồn nghề dệt truyền thống.

Để tránh tình trạng khó kiểm soát nguồn gốc, các sản phẩm lụa Vạn Phúc đều phải có thông tin rõ ràng về xuất xứ, chất lượng và giá cả niêm yết minh bạch. Mỗi lô vải lụa sẽ được đóng dấu logo riêng, cho phép khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ khát vọng muốn khôi phục vị thế của làng nghề: “Chất lượng sản phẩm là điều quan trọng, nhưng tuyên truyền và quảng bá cũng không kém phần cần thiết.” Các nghệ nhân đã tận dụng các kênh truyền hình, chương trình khuyến công và du lịch để giới thiệu lụa Vạn Phúc truyền thống. Người trẻ trong làng nghề cũng được đào tạo về marketing để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả trong và ngoài nước. Đồng thời, làng nghề đã gặt hái thành công trong việc số hóa và phát triển kinh doanh trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử và livestream. “Trong giai đoạn dịch Covid-19, lượng khách đến làng giảm, nhưng chúng tôi đã chuyển sang bán hàng trực tuyến, thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán, giúp tăng doanh thu đáng kể,” Nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ.

Mỗi nghệ nhân tại làng Vạn Phúc luôn nỗ lực đổi mới từng ngày. Nghệ nhân Trần Thị Giang cho biết: “Hôm nay học, ngày mai đã cảm thấy lạc hậu.” Trước đây, một số khách hàng đã góp ý về việc thiếu sáng tạo và lặp lại trong họa tiết và mẫu mã của lụa Vạn Phúc, khiến các nghệ nhân trong làng cảm thấy buồn và trăn trở. Vì vậy, dù đã ở độ tuổi trên 70, nghệ nhân Phạm Khắc Hà vẫn tích cực tham gia các hội thảo và cuộc thi sáng tạo mẫu lụa do thành phố tổ chức. Mỗi năm, làng nghề giành từ 5-6 giải thưởng, tạo ra nhiều hoa văn độc đáo như Phúc Lộc Thọ, Trống Đồng, Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý cách tân, giúp sản phẩm lụa truyền thống thêm phần đặc sắc.

Trăn trở về sự phát triển tương lai của làng nghề, ông Hà đã mở các lớp dạy nghề với quy mô khoảng 35 học viên mỗi lớp, đào tạo trong ba tháng với sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học lại đi nơi khác và mở các cơ sở kinh doanh mượn danh làng lụa Vạn Phúc nhưng không đảm bảo chất lượng hoặc không tôn trọng nguồn gốc. Để bảo vệ giá trị văn hóa quê hương, hiện nay ông chỉ nhận học viên là người địa phương hoặc có ý định gắn bó lâu dài với làng nghề.

Cần có tình yêu sâu đậm với làng nghề mới có thể suy nghĩ và thực hiện được những điều như vậy, vì nếu không có tình yêu, “không thể theo đuổi nghề này được”. Ông Hà cũng khuyên thế hệ trẻ rằng, ngoài lao động sản xuất, cần có niềm đam mê và coi nghề như máu thịt để có thể gắn bó và phát triển nghề một cách thịnh vượng, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, hồn cốt quê hương và dân tộc.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tổng hợp của ISAO

Nguồn: sohuutritue.net.vn