Mỹ đề xuất yêu cầu các công ty AI khai báo về việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Schiff, đại diện bang California, đã đệ trình dự luật lên Quốc hội Mỹ nhằm yêu cầu các công ty AI phải công bố tài liệu có bản quyền mà họ sử dụng để đào tạo các mô hình AI tạo sinh.

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Adam Schiff, đại diện bang California, đã đề xuất một dự luật tại Quốc hội Mỹ yêu cầu các công ty AI phải tiết lộ tài liệu có bản quyền mà họ sử dụng để đào tạo các mô hình AI tạo sinh.

Dự luật này yêu cầu các công ty AI nộp tất cả tác phẩm có bản quyền trong dữ liệu đào tạo của họ cho Cơ quan đăng ký bản quyền trước khi tung ra các hệ thống AI có khả năng tạo văn bản, hình ảnh, âm nhạc hoặc video theo yêu cầu người dùng.

Các công ty cần nộp các tài liệu ít nhất 30 ngày trước khi phát hành những công cụ AI mới, nếu không sẽ đối mặt với các khoản phạt tài chính.

Đạo luật này, cùng với những nỗ lực của các nhà lập pháp, giới truyền thông và nghệ sĩ, thúc đẩy việc xác định liệu các công ty AI có sử dụng trái phép các tác phẩm sáng tạo như bài hát, tranh ảnh, sách và phim để đào tạo phần mềm hay không.

Ông Adam Schiff nhận định: “AI có thể thay đổi nền kinh tế, chính trị và cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Chúng ta cần cân bằng tiềm năng của AI với các nhu cầu thiết yếu bằng cách áp dụng hướng dẫn và biện pháp bảo vệ đạo đức.”

Dự luật không cấm sử dụng tài liệu có bản quyền để huấn luyện AI, nhưng yêu cầu các công ty liệt kê quy trình áp dụng để xây dựng các công cụ như ChatGPT.

Nhiều tổ chức và hiệp hội ngành công nghiệp giải trí đã ủng hộ dự luật này, như Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ, Hội Nhiếp ảnh gia Chuyên nghiệp Hoa Kỳ và Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ.

Các công ty trí tuệ nhân tạo nổi tiếng như OpenAI đang đối mặt với nhiều vụ kiện vì bị cáo buộc sử dụng tài liệu có bản quyền để xây dựng công cụ như ChatGPT. Ví dụ, tờ New York đã nộp đơn khiếu nại vi phạm bản quyền đối với công ty này.

Trước cáo buộc, một số công ty phủ nhận hành vi sai trái và khẳng định việc sử dụng tài liệu có bản quyền của họ tuân theo nguyên tắc fair-use, cho phép sử dụng tài liệu có bản quyền mà không cần cấp phép trong một số trường hợp nhất định.

Đầu năm 2024, trong bản đệ trình lên ủy ban chính phủ Anh, OpenAI cũng tuyên bố rằng nếu không được truy cập vào các tác phẩm có bản quyền, công cụ AI sẽ không thể hoạt động.

Nhiều người trong ngành giải trí đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của AI đối với quyền lợi của nghệ sĩ. Gần đây, hơn 200 nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng đã ký tên vào một bức thư kêu gọi bảo vệ trước AI và yêu cầu các công ty không phát triển công cụ có thể hủy hoại hoặc thay thế các nhạc sĩ.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tổng hợp của ISAO

Nguồn: sohuutritue.net.vn