Làng Chuông từng là một trung tâm nhộn nhịp của nghề đan nón truyền thống, đóng góp vào bức tranh làng nghề tinh hoa dân tộc. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến nhiều người trẻ rời làng để tìm kiếm công việc mới, đe dọa sự tồn tại của Làng Chuông khi thiếu vắng thế hệ nghệ nhân trẻ kế thừa.
“Chúng nó cứ thế mà rời làng thôi”
Làng nghề truyền thống tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, từng được coi là một cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế lại không được như mong đợi.
Làng Chuông đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tồn tại, do nguồn thu nhập thấp và người làm nghề không thể sống được nhờ nghề này. Quy mô sản xuất nón ngày càng thu hẹp. Mỗi chiếc nón có giá từ 40.000 – 50.000 đồng, trong khi các mẫu nón đòi hỏi kỹ thuật cao hơn có giá từ 110.000 – 250.000 đồng. Nhiều thợ làm nón cho rằng mức giá này không phản ánh đúng công sức mà họ bỏ ra. Để làm ra một chiếc nón đẹp, người thợ cần có kỹ năng và sự khéo léo tích lũy qua nhiều năm kinh nghiệm. Giá nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, khiến lợi nhuận thu về ngày càng giảm.
Bà Nguyễn Thị Bình, 70 tuổi, chia sẻ: “Hiện nay có nhiều kiểu dáng mũ đa dạng, khiến nón lá mất dần sự quan tâm. Thu nhập quá thấp, trong khi chi phí sinh hoạt và học tập của con cái ngày càng tăng. Vì vậy, người trẻ rời làng đi tìm việc ở nơi khác để kiếm tiền, không thể ở lại làng mãi.”
Ông Lê Văn Tuy, một trong hai nghệ nhân duy nhất của làng Chuông có xưởng sản xuất nón, cho biết số lượng người làm việc tại xưởng hiện chỉ còn khoảng 30% so với trước đây và đa số là người cao tuổi. Hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ khiến nguồn thu nhập không ổn định, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của làng nghề. Công việc từng là nguồn thu nhập chính giờ chỉ còn là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập, và để tìm được thợ trẻ, cần phải nỗ lực tìm kiếm.
Không chỉ quan tâm đến công việc chuyên môn, các nghệ nhân còn lo lắng về hướng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Hiện tại, du lịch ở làng Chuông chủ yếu tự phát, thiếu tổ chức chuyên nghiệp để tạo thành chuỗi trải nghiệm du lịch có hệ thống. Các hoạt động du lịch còn hạn chế trong việc nổi bật sản phẩm truyền thống của làng. Du khách muốn tham quan phải tự sắp xếp lịch trình và liên hệ với các địa chỉ riêng lẻ, chưa có chương trình cụ thể nào cho khách du lịch. Phiên chợ hàng tháng diễn ra từ 4 giờ sáng, du khách muốn trải nghiệm phải đến rất sớm hoặc ngủ lại gần địa phương để tham dự.
Một vấn đề khác tại làng là thiếu không gian giới thiệu và trưng bày sản phẩm. Ông Lê Văn Tuy chia sẻ rằng xã hứa sẽ bố trí gian hàng tại đình làng cho các nghệ nhân, nhưng chưa có tiến triển nào. Ngay cả khi tham dự hội chợ, nghệ nhân phải tự bỏ tiền túi mà không nhận được ưu đãi hay hỗ trợ nào.
Ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Trung, cho biết: “Việc liên kết các cơ sở, mở không gian giới thiệu, quảng bá và phát triển sản phẩm còn phải chờ cơ chế, chính sách từ Nhà nước. Việc mở mặt bằng để phát triển du lịch tốn kém, và nhiều người vẫn chưa sẵn sàng đầu tư vào du lịch làng nghề.”
Thế hệ trẻ ngày nay không còn nhiệt huyết theo đuổi học nghề để trở thành nghệ nhân, vì họ chứng kiến thực tế rằng nhiều nghệ nhân dù được công nhận cũng không thể kiếm sống đủ bằng nghề. Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 22 tuổi, chia sẻ: “Lớn lên trong tiếng đan nón và mùi của nón lá, chúng mình nhận ra rõ ràng sự phát triển chậm chạp của nghề này hơn bất kỳ ai khác. Nghề đang dần mai một và gần như mất đi. Trong số những người bằng tuổi mình, ít người biết làm nón, chỉ một số có thể sửa chữa những chi tiết đơn giản.”
Nghệ nhân tìm truyền nhân
Nghề làm nón là truyền thống lâu đời và là linh hồn của người dân làng Chuông. Việc giữ gìn nghề từ thời cha ông đến thời điểm hiện tại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thế hệ các nghệ nhân như ông Lê Văn Tuy nỗ lực truyền dạy nghề thủ công này cho thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ trong làng chưa nhận thức được giá trị của chiếc nón lá, không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu quốc tế. Mỗi nghệ nhân đều hy vọng con cháu có thể “vươn ra biển lớn” nhưng vẫn giữ nghề truyền thống để phát triển và duy trì tinh hoa của làng Chuông.
Nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ rằng ông luôn định hướng nghề cho con cháu trong gia đình từ nhỏ, không chỉ để họ hiểu nghề mà còn tạo điều kiện cho các em học sinh đến xưởng vừa học vừa làm nón trong kỳ nghỉ hè. Công việc này giúp các em kiếm thêm thu nhập, tránh xa những trò chơi điện tử thiếu lành mạnh, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu với nghề nón lá. Các em có thể áp dụng kiến thức học ở trường để quảng bá và phát triển làng Chuông.
Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 22 tuổi, cho biết: “Trong tương lai, sau khi hoàn thành việc học, mình muốn áp dụng kiến thức marketing đã học để thực hiện các dự án, hoạt động quảng bá nón làng Chuông đến mọi người.”
Việc “nghệ nhân tìm truyền nhân” không chỉ là nhiệm vụ của người dân, mà còn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền địa phương. Nghệ nhân Tuy cho biết hàng năm có các chương trình do huyện và thành phố tổ chức, kêu gọi các nghệ nhân tham gia quảng bá. Những buổi triển lãm và hoạt động giảng dạy này nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức về tầm quan trọng của nón lá làng Chuông, từ đó tạo sự gắn kết và yêu thích đối với văn hóa làng nghề.
Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ như phát huy vai trò của các nghệ nhân giỏi và thợ lành nghề; hỗ trợ các nghề và làng nghề truyền thống được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, kết hợp phát triển làng nghề với du lịch.
Rõ ràng, làng nghề sẽ không thể tiếp tục tồn tại nếu thiếu người kế thừa. Vì vậy, mỗi người trẻ cần ý thức trách nhiệm và lòng tự hào với làng nghề của mình. Mỗi người cùng chung sức sẽ góp phần giúp những làng nghề như làng Chuông nón lá trường tồn theo thời gian.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tổng hợp của ISAO
Nguồn: sohuutritue.net.vn