Xã Chàng Sơn, thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội, từ lâu đã được coi là “làng bách nghệ”, nơi hội tụ nhiều nghề thủ công truyền thống. Một trong những nghề nổi tiếng nhất ở đây là nghề làm quạt giấy, đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm quạt giấy của Chàng Sơn hiện nay đã vươn ra thế giới, nhận được sự yêu thích của nhiều người bạn từ khắp nơi.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây Bắc, giữa những cánh đồng lúa bát ngát, Chàng Sơn dần hiện ra với khung cảnh truyền thống gồm cây đa, giếng nước, thủy đình, mái ngói, cổng làng và những hàng quạt giấy phơi dọc các con ngõ.
Nơi đây, một điểm đến văn hóa đặc biệt của vùng đất cũ Hà Tây, nổi tiếng với ngôi làng nghề truyền thống có tên “Làng quạt Chàng Sơn.” Trước đây, làng còn được gọi là “Nủa Chàng” và nằm trong vùng đất yên bình, cổ xưa của Thạch Thất. Làng nổi danh với nghề làm quạt thủ công truyền thống đã tồn tại qua hàng trăm năm. Nói về nguồn gốc của nghề làm quạt, người dân Chàng Sơn vẫn giữ gìn những câu thơ lưu truyền qua thế hệ.
“Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên
Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền
Phiền tâm quạt, tay đưa gió
Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”
Những câu thơ về nghề làm quạt tại Chàng Sơn thể hiện ước mơ tốt đẹp của người dân địa phương. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi danh vượt ra ngoài biên giới, được trưng bày ở triển lãm quốc tế tại thành phố Paris hoa lệ.
Quạt Chàng Sơn được biết đến với sự đa dạng và phong phú về mẫu mã, loại hình. Ban đầu, làng chỉ sản xuất quạt giấy và quạt nan, nhưng giờ đây đã mở rộng sản xuất nhiều loại quạt khác nhau như quạt the, quạt lụa, quạt tranh treo tường trang trí, quạt làm thiệp cưới, và quạt cao cấp làm quà lưu niệm.
Người làm nghề tại đây cho biết, trước đây, quạt Chàng Sơn thường sử dụng giấy dó từ Bắc Ninh. Ngày nay, giấy dó trở nên khan hiếm và giá cả đắt đỏ, nên làng chuyển sang sử dụng các loại giấy khác. Quá trình bọc giấy vào nan quạt cần sự khéo léo và tỉ mỉ để tránh làm nhàu giấy, giữ cho bề mặt phẳng phiu và tiện lợi cho việc vẽ tranh.
Dù làng có nhiều loại quạt và mẫu mã đa dạng, quá trình sản xuất một chiếc quạt vẫn hoàn toàn thủ công. Để làm nan quạt, thợ thủ công phải chọn lựa thân tre kỹ lưỡng, sau đó ngâm tre trong thời gian dài để đạt được độ dẻo và độ bền. Sau khi cắt và vuốt kỹ, thân tre sẽ được phơi khô trước khi chuyển đến các xưởng dán quạt riêng. Trên khắp các ngõ nhỏ trong làng, thân tre được phơi thành từng lớp dày, tỏa hương tre nứa.
Bọc giấy vào khung quạt là công đoạn rất quan trọng. Điều này yêu cầu tách các nan quạt đều đặn để đảm bảo tính thẩm mỹ của chiếc quạt. Mỗi loại quạt có số lượng nan khác nhau, và quạt có nhiều nan thường có độ chắc chắn cao hơn.
Công đoạn bọc vải vào nan và định hình ban đầu cho quạt là một bước quan trọng. Người thợ phết keo lên nan, đưa vải vào và cố định để tạo hình “vỡ” ban đầu. Sau đó, quạt được treo lên hoặc trải ra để phơi khô. Khi quạt đã định hình, người thợ dùng dao theo khung kim loại bán nguyệt để cắt bỏ vải thừa. Cuối cùng, họ gấp quạt thành nếp, đóng đinh đầu nan, và bó thành từng bó riêng biệt.
Mỗi chiếc quạt Chàng Sơn không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà còn mang ý nghĩa lịch sử và triết lý lâu đời. Quạt có thể trở thành phụ kiện tinh tế trong tay các cô gái hoặc các quý ông trong những dịp đặc biệt, hoặc làm bức tranh nghệ thuật độc đáo để trang trí trên tường.
Chị Nguyễn Thị Tuấn, chủ cơ sở sản xuất quạt ở Xóm Đình, Chàng Sơn, cho biết rằng chỉ khi chứng kiến quá trình làm quạt mới có thể cảm nhận hết sự công phu và tỉ mỉ của người thợ. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, chị Tuấn đã trở nên thành thạo trong mọi công đoạn. Chị chia sẻ: “Làm một chiếc quạt giấy đòi hỏi rất nhiều bước, từ mua tre về chẻ nan, đục lỗ, xếp nan thành khung quạt, phơi nắng, cắt, dán giấy. Chỉ riêng việc phơi nan đã tốn từ 1-2 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Những ngày mưa thì càng tốn nhiều thời gian hơn.”
Chị vừa làm vừa giới thiệu để khách tham quan hiểu rõ quy trình tạo ra một chiếc quạt giấy. Công đoạn đòi hỏi sự khéo léo chính là dán quạt. Từng nan quạt được xòe ra và cố định trên mặt bàn. Người thợ sử dụng keo sữa để dán quạt. Trước đây, khi chưa có keo, họ phải dùng bột sắn hoặc nhựa quả hồng non. Ngày nay, loại keo dán gỗ đã được cải tiến giúp quạt gắn chặt và bền đẹp hơn.
Người thợ ở Chàng Sơn đã sáng tạo ra nhiều loại quạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong cuộc sống hiện đại. Từ những chiếc quạt giấy thông thường giá 5 nghìn đồng đến các loại quạt giấy, quạt lụa in hình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, câu ca dao, tục ngữ với giá từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng. Cũng có những chiếc quạt cỡ lớn trang trí vẽ tranh sơn dầu, dùng để trang trí phòng khách, làm quà tặng, có giá lên đến vài triệu đồng. Những chiếc quạt nhỏ xinh trở nên lung linh và độc đáo khi được sử dụng trong các màn biểu diễn sân khấu.
Một trong những điểm thú vị khi đến làng nghề truyền thống Chàng Sơn là du khách có cơ hội tham gia vào quá trình làm quạt giấy cùng các nghệ nhân. Anh Vũ Thắng, du khách đến từ Nam Định, hào hứng chia sẻ: “Mỗi lần đến Hà Nội, tôi đều ghé thăm các làng nghề truyền thống. Lần đầu đến Chàng Sơn, được trải nghiệm tự tay làm quạt giấy, tôi rất hào hứng. Mặc dù quạt giấy đã gắn bó với tôi từ bé nhưng đây là lần đầu tiên tôi được biết quá trình làm nó. Trải nghiệm này thực sự ấn tượng và khó quên. Tôi cũng bị thu hút bởi không gian, nhịp sống và con người Chàng Sơn. Tôi nhất định sẽ quay lại đây khi có cơ hội.”
Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mỗi chiếc quạt còn là sự kết tinh của tri thức dân gian, sự sáng tạo, khéo léo và kiên nhẫn được truyền lại qua nhiều thế hệ người Chàng Sơn. Hoạt động này không chỉ giúp lan tỏa hình ảnh làng nghề truyền thống trong nước mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Không thiết bị hiện đại nào có thể thay thế giá trị cổ điển và vẻ đẹp tinh tế của những chiếc quạt cầm tay.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tổng hợp của ISAO
Nguồn: sohuutritue.net.vn