Chuyên gia Andrew Amoils từ New World Wealth dự báo rằng trong vòng 10 năm tới, mức độ giàu có của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên đến 125%, đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khi xét về GDP bình quân và số lượng triệu phú.
Theo nhận định của chuyên gia Andrew Amoils, Việt Nam đang ngày càng trở thành trung tâm sản xuất phổ biến của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may.
Ông cũng dự báo rằng, Ấn Độ – một quốc gia được dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2027 – sẽ chiếm vị trí thứ hai trong danh sách với mức tăng trưởng tài sản dự kiến là 110%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện có khoảng 19.400 triệu phú với mức tài sản vượt quá 1 triệu USD và 58 tỷ phú có tổng tài sản vượt quá 100 triệu USD. Đây được coi là một quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty quốc tế thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Theo báo cáo của McKinsey, Việt Nam có vị trí chiến lược khi có đường biên giới chung với Trung Quốc và gần các tuyến thương mại hàng hải lớn. Ngoài ra, chi phí lao động thấp cùng các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và xuất khẩu của quốc gia đã biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu cho đầu tư quốc tế.
Mặc dù đối mặt với những thách thức, GDP của Việt Nam trong năm 2023 vẫn đạt mức tăng trưởng 5,05%. Ngành sản xuất hiện chiếm khoảng 1/4 GDP của nền kinh tế Đông Nam Á này.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong vòng 10 năm qua, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ khoảng 2.190 USD lên gần gấp đôi, đạt mức 4.100 USD.