Trên 80% các vụ xâm hại trẻ em ở Việt Nam là xâm hại tình dục

Cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80% từ năm 2020 đến hết tháng 9 vừa qua.

7.883 trẻ em bị xâm hại

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tình hình tội phạm liên quan tới người dưới 18 tuổi, đặc biệt là các loại tội bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa phòng ngừa, kiểm soát và kéo giảm so với mục tiêu đặt ra, vẫn còn xảy ra các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp. (Ảnh: TH)

Từ năm 2020 đến hết tháng 9 vừa qua, cả nước phát hiện 7.483 vụ, 8.788 đối tượng, xâm hại 7.883 trẻ em, trong đó số vụ xâm tình dục trẻ em chiếm trên 80%.

Thông tin trên được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra tại hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng 16/11.

Nguyên nhân là gì?

Theo thống kê, phần lớn thủ phạm xâm hại, bạo lực nằm ở nhóm thân quen nên nạn nhân thường giữ im lặng, gây khó khăn trong xử lý, bảo vệ trẻ em. Đối tượng xâm hại lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình, mối quan hệ gần gũi, quen biết với trẻ em hoặc lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại.

Trong khi đó, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em chưa được hướng dẫn, giáo dục để có nhận thức, kiến thức đầy đủ, cập nhật về bảo vệ trẻ em. Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có nơi, có lúc chưa được kịp thời.

Ngoài ra, công tác phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở một số địa phương vẫn còn lúng túng; chưa có sự lồng ghép một số dịch vụ bảo vệ trẻ em; chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Những quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan khi để xảy ra xâm hại trẻ em vẫn còn thiếu sót.

Nhiều trường hợp người dân còn do dự, lưỡng lự, thậm chí chưa tin tưởng vào các cơ quan pháp luật nên các vụ việc xâm hại trẻ em rơi vào tồn đọng kéo dài. “Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của người dân chưa được nhanh chóng, kịp thời. Quá trình xác minh, điều tra, truy tố xét xử thường bị kéo dài, thậm chí gây phiền hà, gây mệt mỏi, hoài nghi cho người dân”, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) nhận định.

Giải pháp là gì?

Theo dự báo của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), thời gian tới tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn sẽ diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm do nhiều thách thức. Vì vậy phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là bố trí nhân lực làm công tác trẻ em ở cấp huyện và cấp xã, bố trí ngân sách cho công tác trẻ em nói chung, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Phần lớn thủ phạm xâm hại, bạo lực nằm ở nhóm thân quen nên nạn nhân thường giữ im lặng, gây khó khăn trong xử lý, bảo vệ trẻ em. (Ảnh: carolineabbott.com)

Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó là phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực; chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Thí điểm xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội hoặc văn phòng tư vấn hỗ trợ tâm lý trẻ em cấp huyện, cụm huyện.

Chính quyền địa phương các cấp cần bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) hợp lý cho công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, trước việc người dân e ngại không tố giác tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ Công an đã triển khai xây dựng 39 mô hình “Phòng điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật” ở 38 đơn vị và địa phương phục vụ quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi. Tính đến quý I đã có trên 1.200 lượt sử dụng mô hình phòng điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Mô hình phòng điều tra thân thiện do Bộ Công an xây dựng. (Ảnh: Phạm Hiên)

Phòng điều tra thân thiện dành cho nhóm trẻ bị xâm hại, người làm chứng, người vi phạm và cả phụ nữ bị mua bán, bạo lực gia đình. Phòng rộng ít nhất 18 mét vuông, đặt ở nơi ít người qua lại, yên tĩnh, màu sắc hài hòa để khi nạn nhân bước vào thấy an tâm, giảm áp lực. Căn phòng có thêm các hình nộm mô phỏng cơ thể người có đánh số từng bộ phận, phục vụ lấy lời khai khi cần thiết.

Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tren-80-cac-vu-xam-hai-tre-em-o-viet-nam-la-xam-hai-tinh-duc-d194769.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *