Tương lai nào cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Việt Nam đã thu hút một số lượng ngày càng lớn các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghiệp bán dẫn từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), và Singapore thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao với Chính phủ các nước.
Ngành công nghiệp bán dẫn, hay còn được gọi là ngành vi mạch, đơn giản là tập hợp các thành phần tham gia vào việc thiết kế và sản xuất các linh kiện, thiết bị điện tử. Các thành phần này không chỉ quan trọng mà còn không thể thiếu trong thời đại công nghệ hiện đại.

Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng kinh tế, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn. Đất nước này nằm trên các tuyến giao thông hàng hải quan trọng, sôi động và hối hả nhất thế giới; cũng là một trong những khu vực phát triển sôi nổi nhất trên toàn cầu hiện nay.

Sự di chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều hãng sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… khi thu hút họ đầu tư xây dựng nhà máy tại đây.

Tuy ngành công nghiệp bán dẫn có tiềm năng lớn, nhưng yêu cầu về nguồn lực đầu tư và nhân lực chất lượng cao cùng với tầm nhìn dài hạn. Việt Nam đã có nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin, nhưng vẫn còn thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn, đặc biệt là có kỹ năng ngoại ngữ để nắm bắt công việc ngay từ đầu. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này không thể triển khai ngay trong thời gian ngắn. Đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, trong khi việc đầu tư nhà máy sản xuất chip yêu cầu máy móc hiện đại, quy trình chuẩn mực và chi phí rất cao.

Do đó, theo chia sẻ trên Vietq của các tác giả Bùi Huy Hải – Trần Thị Thu Hường từ Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương, để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:

Một là, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ và thúc đẩy các trường đại học lớn tại Việt Nam trong việc nghiên cứu chuyên môn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Điều này bao gồm cả nghiên cứu và phát triển công nghệ cốt lõi và nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất.

Hai là, thiết lập một trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, theo mô hình các nước như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, để điều phối và kết nối các trường đại học và các doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường hút và kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn hàng đầu đầu tư vào Việt Nam, đồng thời cung cấp cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ.

Bốn là, xây dựng và phát triển cơ chế hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn, bao gồm cả nghiên cứu về công nghệ cốt lõi và phát triển nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất.

Năm là, cần sớm xây dựng và phát triển các ngành đào tạo chuyên sâu về bán dẫn cùng với các chính sách khuyến khích đặc thù, đặc biệt là chú trọng vào việc hỗ trợ nghiên cứu công nghệ cốt lõi và ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tổng hợp của ISAO

Nguồn: sohuutritue.net.vn