Cảnh sát giao thông TP HCM chia làm các cụm đo nồng độ cồn ở khu vực trung tâm và vùng ven từ nay đến trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP HCM cho biết theo kế hoạch từ ngày 24/11 đến trước Tết Nguyên đán 2024, CSGT TP HCM mở đợt tổng kiểm tra nồng độ cồn trên toàn địa bàn. Cụ thể, CSGT chia làm 10 cụm, trong đó 5 cụm kiểm tra nồng độ cồn khu vực trung tâm và 5 ở vùng ven. Các cụm được kết hợp giữa lực lượng CSGT quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp các đội, trạm thuộc PC08 ở gần nhau.
Theo đó, kế hoạch, chuyên đề kiểm tra nông độ cồn sẽ được thực hiện cả ngày lẫn đêm trên các tuyến đường và địa bàn của các đội, trạm, cụm đó đảm nhiệm. Mỗi ngày chia ra làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng. Mỗi ca tuần tra của mỗi cụm có khoảng 20 cán bộ tham gia xử lý vi phạm. Tùy theo tình hình thực tế có thể thay đổi địa điểm kiểm tra.
Đại diện PC08 cho biết việc triển khai kiểm tra theo cụm sẽ lợi thế hơn, kiểm soát khu vực rộng hơn. CSGT sẽ chủ động trao đổi về địa bàn tuần tra, kiểm soát để luân phiên khu vực tuần tra, kiểm soát, đảm bảo nguyên tắc không bị trùng lắp hoặc bỏ sót địa bàn.
Ngoài ra, việc triển khai theo cụm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông do nồng độ cồn, chất kích thích gây ra. Với phương thức tuần tra phối hợp giữa các đội, đo nồng độ cồn cả ban ngày, các tổ công tác đã ghi nhận rất nhiều người vi phạm.
Tính riêng từ 24/11 đến 28/11, CSGT đã tổng kiểm soát gần 24.000 trường hợp, bao gồm hơn 7.100 ô tô và gần 17.000 xe máy. Trong đó có 891 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lập biên bản, gồm 35 ô tô và 856 xe máy. Đáng chú ý, CSGT ghi nhận 1 trường hợp lái ô tô có chất ma túy, 2 trường hợp lái xe máy có ma túy và 1 trường hợp lái vừa có nồng độ cồn vừa có ma túy.
Lãnh đạo một đội CSGT cũng cho rằng, việc CSGT xử phạt nồng độ cồn ban ngày mà vẫn phát hiện trường hợp vi phạm là điều bình thường. Người tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm quy định khi cầm tay lái.
CSGT cũng cho rằng, nếu xử lý nghiêm nồng độ cồn, người dân dần dà thay đổi thói quen thì sẽ hình thành văn hóa giao thông an toàn. Dù vậy, thực tế vẫn còn những trường hợp chống đối CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn do uống quá say.
Việc đo nồng độ cồn vào ban ngày của CSGT cũng từng ghi nhận những ý kiến khác nhau của người dân. Tuy nhiên, CSGT cho rằng thực tế khi tăng cường kiểm soát nồng độ cồn, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm.
Lãnh đạo đội CSGT nói: “Quan trọng vẫn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Nếu biết sáng phải lái xe thì tối hôm trước không nhậu trễ, cần chuẩn bị tâm lý để tay lái vững vàng, an toàn”.
“Nếu biết sáng mai mình đi làm sớm thì có thể đêm trước mình không nhậu. Còn nếu đã nhậu thì phải biết kiểm soát tửu lượng. Nếu chắc chắn hơn thì sáng mai mình có thể di chuyển bằng xe công nghệ, xe công cộng hoặc nhờ người khác chở”, vị cán bộ này nói. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết siêu tầm của isao
Nguồn:sohuutritue.net.vn