Nga phóng tên lửa Angara-A5 từ sân bay vũ trụ Viễn Đông

Nga đã tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa Angara-A5 từ sân bay vũ trụ Vostochny, đưa thành công một tải trọng thử nghiệm lên quỹ đạo thấp. Đây là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phát triển các phương tiện phóng mới sau thời kỳ Liên Xô.

Vụ phóng thử tên lửa Angara-A5, là tên lửa vũ trụ đầu tiên của Nga sau thời kỳ Liên Xô, nhằm thể hiện tham vọng của Moscow trở thành một cường quốc không gian hàng đầu. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Vostochny, tọa lạc trong một khu rừng ở tỉnh Amur, vùng Viễn Đông của Nga.

Sau hai lần phóng thử bị hủy bỏ vào phút cuối do sự cố liên quan đến hệ thống tạo áp suất và hệ thống điều khiển phóng động cơ, Nga đã phóng thử thành công tên lửa Angara-A5 từ sân bay vũ trụ Vostochny vào ngày 11/4. Chuyến bay thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, chỉ vài giờ trước khi Nga kỷ niệm Ngày du hành vũ trụ, đánh dấu 63 năm kể từ khi du hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.

“Động cơ đã khởi động và chuyến bay diễn ra bình thường,” trung tâm điều khiển sứ mệnh thông báo khi tên lửa phóng vào không gian, đạt tốc độ hơn 25.000 km/giờ chỉ trong vài phút.

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết: “Các thùng nhiên liệu đã được tách ra, sau đó phần trung tâm cũng tách rời, và tải trọng thử nghiệm đã được đưa vào quỹ đạo. Tên lửa đang hoạt động bình thường. Với lần phóng này, quá trình thử nghiệm thiết kế chuyến bay của hệ thống tên lửa vũ trụ Amur với các phương tiện phóng hạng nặng Angara trên Vostochny đã chính thức bắt đầu.”

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Angara-A5 diễn ra vào năm 2014, và một chuyến bay khác diễn ra vào năm 2020, cả hai đều được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở phía bắc nước Nga.

Theo thông tin từ báo Kommersant của Nga, tên lửa Angara-A5 là một tên lửa thân thiện với môi trường, có ba tầng, dài 54,5 m và nặng khoảng 773 tấn, có khả năng mang tải trọng khoảng 24,5 tấn vào không gian.

Moscow thông báo rằng tên lửa này được sản xuất hoàn toàn bằng linh kiện của Nga và sử dụng nhiên liệu ít gây hại cho môi trường hơn, nó sẽ thay thế tên lửa hạng nặng Proton M của Nga, vốn đã được sử dụng từ giữa những năm 1960.

Nga bắt đầu phát triển dự án Angara sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhằm tạo ra một phương tiện phóng do Nga sản xuất để đảm bảo khả năng tiếp cận không gian ngay cả khi không còn sân bay vũ trụ Baikonur mà Nga đang thuê từ Kazakhstan.

Cơ quan vũ trụ Roscosmos cho biết: “Việc phát triển hệ thống tên lửa vũ trụ Angara (KRK) là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của quốc gia. Việc đưa tàu vũ trụ Angara vào vận hành sẽ cho phép Nga phóng các loại tàu vũ trụ từ lãnh thổ của mình và mang lại cho quốc gia khả năng tiếp cận không gian độc lập.”