Siều riêng tươi Việt Nam gặp các đối thủ trên thị trường Trung Quốc

Sầu riêng là một trong những trái cây xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc. Trong năm 2024, tại thị trường rộng lớn này sầu riêng Việt Nam sẽ có thêm đối thủ là Malaysia và Thái Lan.
Thái Lan là một trong các nước khu vực Đông Nam Á xuất khẩu trái cây nhiều nhất sang Trung Quốc, là thị trường chiếm 91,6% tổng trị giá xuất khẩu trái cây, tiếp đến là Maylaysia.

Mặc dù nhu cầu nhập khẩu trái cây tại Trung Quốc tăng nhưng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà cung cấp Thái Lan.

Trong 10 tháng năm 2023 Thái Lan xuất khẩu 1,74 triệu tấn trái cây, trị giá 5,06 tỷ USD tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài, dứa được xuất khẩu nhiều nhất.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Thái Lan dẫn nguồn từ freshplaza.com cho biết, thời gian tới xuất khẩu trái cây của Thái Lan sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc do cạnh tranh lớn hơn.

Cụ thể, Thái Lan từng là thị trường cung cấp hoàn toàn sầu riêng cho Trung Quốc nhưng năm 2022 thị phần sầu riêng Thái Lan giảm còn 95% do Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với thị phần chiếm 5%.

Trong 10 tháng năm 2023, thị phần sầu riêng của Thái Lan giảm còn 70%, thị phần sầu riêng từ Việt Nam tăng lên 30%

Mới đây, Malaysia cho biếtviệc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ bắt đầu vào năm 2024. Thời điểm bắt đầu xuất khẩu sẽ trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 31/5/2024.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia ký thỏa thuận 6 điểm về xuất khẩu sầu riêng tươi của nước này sang Trung Quốc vào tháng 10/2023. Phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với loại trái cây này và cả hai bên đã đồng ý hợp tác thúc đẩy quy trình kiểm tra kiểm dịch.

Theo đó, chỉ những quả sầu riêng chín hoàn toàn mới được xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo hương vị ngon nhất cho người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể đặt ra những thách thức nhất định trong vận chuyển do thời hạn sử dụng của sầu riêng chín ngắn hơn.

Các thành viên trong ngành sầu riêng và Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Malaysia hiện đang đánh giá các phương thức vận tải khác nhau, bao gồm cả vận tải hàng không và đường biển. Theo ước tính, sầu riêng có thể đến Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi được thu hoạch tại trang trại nếu vận chuyển bằng đường hàng không.

Đáng chú ý, xem xét sự hiện diện của sầu riêng tươi Thái Lan và Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, các chuyên gia Malaysia cũng đề xuất tạo logo sầu riêng Malaysia để phân biệt sầu riêng Musang King của nước này với trái cây có nguồn gốc từ nơi khác.

Năm 2023, Malaysia sản xuất 455.458 tấn sầu riêng, 10% trong số đó được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, thị trường Hồng Kông và Singapore. Malaysia xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2011 và sầu riêng nguyên quả đông lạnh từ tháng 5/2019.

Việc Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc liệu có tác động tới ngành hàng sầu riêng Việt Nam, khi thị trường này đang là điểm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2023. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 2 tỷ USD. Việc ký kết nghị định thư đã giúp sầu riêng của Việt Nam trở thành ngành hàng tỷ USD và đạt được con số tăng trưởng kỷ lục.

“Chúng ta mới xuất khẩu sầu riêng tươi hơn 1 năm sang thị trường Trung Quốc mà đã đạt kim ngạch bằng gần một nửa so với Thái Lan, trong khi Thái Lan xuất khẩu cả sầu riêng tươi và đông lạnh. Do đó, dư địa cho sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên nói, đồng thời kỳ vọng Trung Quốc sẽ cho phép nhập thêm sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam.

Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/sieu-rieng-tuoi-viet-nam-gap-cac-doi-thu-tren-thi-truong-trung-quoc-d205141.html